Cây Thiên niên kiện ngoài là một dược liệu tạo nên các sản phẩm mang thương hiệu Saola thì trong tự nhiên nó cũng góp phần vào công tác bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả hơn. Từ những kiến thức đã tìm hiểu được cũng như quá trình thực tiễn phát triển bền vững cây Thiên niên kiện dưới tán rừng tự nhiên, mình đã rút ra một số ý nghĩa của loài cây này trong công tác bảo vệ rừng tự nhiên.
1. Bảo vệ đất
Nếu bạn đã một lần vào rừng tự nhiên và thấy được cây Thiên niên kiện mọc ở tự nhiên như thế nào, thì bạn mới hiểu rõ ý nghĩa thực sự của nó. Trong rừng tự nhiên, cây Thiên niên kiện thích mọc những nơi ẩm ướt, nhiều thảm mục và đặc biệt là những vùng ở hai bên bờ khe suối. Ở đây thường có độ dốc lớn, đất thường lẫn với đá nên rất dễ bị xói mòn, rửa trôi, thậm chí là sạt lở.
Cây Thiên niên kiện có bộ rễ phát triển khá mạnh, giúp giữ gìn kết cấu của đất. Đặc biệt, Thiên niên kiện có bộ lá rộng và dày, vì vậy nó sẽ góp phần hạn chế tác động của nước mưa rơi trực tiếp vào đất, từ đó giúp giảm xói mòn và rửa trôi một cách hiệu quả.
2. Cung cấp thức ăn cho các loài động vật rừng
Lá cây Thiên niên kiện là một loài thức ăn phổ biến cho các loài động vật rừng như Sao la, Sơn dương, Heo rừng…Đây cũng chính là lý do vì sao mà mình đặt tên thương hiệu các sản phẩm là Sao la. Việc trồng bổ sung và khai thác bền vững cây Thiên niên kiện dưới tán rừng tự nhiên sẽ góp phần rất lớn trong việc duy trì nguồn thức ăn bền vững cho các loài động vật sống ở rừng tự nhiên.
3. Góp phần tăng tính đa dạng sinh học của rừng
Việc trồng bổ sung cây TNK dưới tán rừng tự nhiên sẽ giúp đa dạng thành phần loài cây, số lượng và tầng tán, từ đó tăng tính đa dạng sinh học của rừng.
4. Môi trường sống
Cây thiên niên kiện tạo ra môi trường sống cho nhiều loài động vật và thực vật khác. Tán lá và thân cây cung cấp nơi ẩn náu và nguồn thức ăn cho các loài sinh vật trong rừng.
5. Điều hòa khí hậu
Cây thiên niên kiện, giống như các loài cây khác, hấp thụ CO2 và thải ra O2, giúp điều hòa khí hậu và cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh đó, những khu vực có sự phân bố của Thiên niên kiện cũng có độ ẩm không khí cao hơn và mát mẻ yown.
6. Góp phần tạo thu nhập cho người giữ rừng, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số
Hiện nay, mặc dù ở rừng tự nhiên có rất nhiều loại lâm sản phi gỗ và dược liệu nhưng cũng có rất ít cây có thể đem lại nguồn thu nhập các cộng đồng DTTS. Có thể kể ra những cây lâm sản phi gỗ ở rừng tự nhiên có thể đem lại thu nhập gồm Mây, Lá nón, Thiên niên kiện, Đoác,…
Với giá thu mua hiện tại khoảng 7.000 VNĐ/kg, mỗi cộng đồng có thể khai thác bền vững 2 tấn/năm thì họ có thể thu lại khoảng 14 triệu đồng. Mặc dù đây là con số không lớn, nhưng kết hợp nhiều nguồn thu khác như Dịch vụ môi trường rừng và tương lai là bán tín chỉ Carbon, thì đây sẽ là những nguồn thu đáng kể cho các cộng đồng giữ rừng.
7. Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Bằng cách hấp thụ CO2 và cung cấp môi trường sống cho nhiều loài, cây thiên niên kiện giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái rừng.