Thừa Thiên Huế đã thực hiện thí điểm giao rừng cho cộng đồng (hộ, nhóm hộ gia đình) từ năm 2000 và triển khai phổ biến từ năm 2010.
Đến nay, các cộng đồng đã có các nguồn thu từ việc giữ rừng như nguồn thu từ Chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng hoặc các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước. Tuy nhiên, các cộng đồng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của rừng để xây dựng các mô hình sinh kế để tăng thu nhập. Thiên niên kiện là một loài cây lâm sản ngoài gỗ phổ biến ở dưới tán rừng tự nhiên. Nó có tác dụng để chữa trị các bệnh về đau nhức xương khớp, phong thấp. Người dân thường sử dụng củ Thiên niên kiện để ngâm rượu, sử dụng lá để làm thức ăn cho người hoặc gia súc.
Mặc dù cây Thiên niên kiện rất phổ biến và có nhiều giá trị, nhưng từ trước đến nay người dân chỉ khai thác để phục vụ nhu cầu hàng ngày với quy mô nhỏ. Nhận thấy được những hạn chế đó, sau khi thành lập, SAOLA đã chú trọng để thúc đẩy các cộng đồng phát triển cây Thiên niên kiện với quy mô lớn để sản xuất tinh dầu. Đến năm 2024, SAOLA đã hỗ trợ thu mua 40 tấn Thiên niên kiện, góp phần tạo thu nhập cho các cộng đồng vùng đệm Khu bảo tồn Sao la. Mặc dù đây là nguồn thu không lớn nhưng đã tạo tiền đề cho việc phát triển mô hình sinh kế dưới tán rừng, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng rừng.
Để phát triển bền vững, SAOLA chú trọng hợp tác với chính quyền địa phương để trồng bổ sung cây Thiên niên kiện dưới tán rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, SAOLA tập trung nâng cao năng lực cho cộng đồng để phát triển bền vững cây Thiên niên kiện. Trong năm 2018, được sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh (Do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), SAOLA đã tổ chức 05 khóa tập huấn về trồng và khai thác bền vững cây Thiên niên kiện dưới tán rừng tự nhiên cho các cộng đồng ở Nam Đông và A Lưới.
Năm 2023, được dự án ANI 8748 hỗ trợ, SAOLA tiếp tục xây dựng mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng cộng đồng thuộc thôn A Min, xã A Roàng, huyện A Lưới. Vào tháng 12/2023, dự án đã hỗ trợ kỹ thuật thông qua lớp tập huấn ươm cây tại vườn ươm của HTX Nông nghiệp Dược liệu A Roàng cho 100 thành viên HTX (53 nam và 47 nữ). Qua lớp tập huấn giúp cho thành viên HTX biết cách trồng, chăm sóc cơ bản cây Gừng gió và cây Thiên niên kiện dưới tán rừng, từ đó giúp cho các đồng bào nơi đây có thêm nguồn thu đồng thời giúp họ biết cách thu hái những dược liệu quý một cách bền vững đặc biệt là bảo vệ được rừng cộng đồng
Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ 2 máy cắt cỏ, 8.000 cây giống (bao gồm cây Thiên niên kiện và cây Gừng gió), một số cuốc xẻng để phục vụ cho việc thực hiện mô hình.
Tháng 4 năm 2024, tiếp tục thực hiện mô hình, HTX tiến hành trồng cây dược liệu (Cây Thiên niên kiện và cây Gừng gió) dưới tán rừng cộng đồng.
Giám đốc Blup Thi Tha – Giám đốc HTX Nông Nghiệp dược liệu A Roàng chia sẻ chị rất vui vì có thể phát triển và khai thác bền vững cây Thiên niên kiện dưới tán rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý bảo vệ. Việc này không chỉ góp phần bảo tồn hệ sinh thái mà còn nâng cao sinh kế cho người dân địa phương, tạo cơ hội kinh tế bền vững từ nguồn tài nguyên thiên nhiên (Ai quan tâm có thể liên hệ với chị Blup Thi Tha qua sđt 0359228722).
Trong thời gian tới, SAOLA sẽ hỗ trợ cho các cộng đồng vùng đệm Khu bảo tồn Sao la để trồng bổ sung thêm 4 – 6ha Thiên niên kiện. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy để hình thành các nhóm sản xuất cộng đồng và ký hợp đồng thu mua sản phẩm để người dân yên tâm trồng và phát triển mô hình này dưới tán rừng. Mặc dù đây là mô hình mới nhưng có thể nói nó đã mở ra được hướng phát triển cho rừng cộng đồng, từ đó nâng cao được hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên được giao và tạo được nguồn thu cho người dân.